Quảng Hòa Thông Bảo
Tiền cổ Quảng Hòa Thông Bảo là loại tiền được đúc và lưu hành thời vua Mạc Hiến Tông dưới triều đại nhà Mạc.Đây là loại tiền thứ ba và cũng là loại tiền cuối cùng của nhà Mạc phát hiện được ngày nay và được công nhận sau hai loại tiền là Minh Đức Thông Bảo và Đại Chính Thông Bảo.
Vài nét về vua Mạc Hiến Tông(chữ Hán: 莫憲宗 ? – 1546) là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ năm 1540 đến 1546. Ông tên thật là Mạc Phúc Hải(莫福海), là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách), tỉnh Hải Dương.Khi lên ngôi,vua Mạc Hiến Tông lấy niên hiệu là Quảng Hòa(廣和) và cho đúc đồng tiền Quảng Hòa Thông Bảo để đưa vào lưu thông phục vụ cho nhu cầu buôn bán,giao thương hàng hóa cũng như để khẳng định sự chính thống của vương triều.
Về đồng tiền Quảng Hòa Thông Bảo,tiền được đúc bằng kim loại đồng có dạng hình tròn lỗ vuông tượng trưng cho trời,đất theo quan niệm “trời tròn đất vuông” của người xưa.Mặt trước của đồng tiền được ghi bốn chữ Hán Quảng Hòa Thông Bảo-廣和通寶 được đọc chéo tuần tự từ trên xuống dưới,từ phải qua trái.Trong đó,hai chữ “Quảng Hòa”-“廣和” chỉ niên hiệu của nhà vua.Không chỉ vậy, niên hiệu “Quảng Hòa” của vua Mạc Hiến Tông có nghĩa là “sự êm thuận,yên ổn rộng lớn” thể hiện ước vọng tốt đẹp của bậc quân vương muốn làm cho đất nước,xã hội của mình nơi nơi đều được an vui,thái bình trải khắp bốn phương,nhân dân ấm no hạnh phúc.Còn hai chữ “Thông Bảo”-“通寶” là để chỉ loại tiền được lưu hành thông dụng.Mặt lưng của đồng tiền được để trơn.
Xét về tổng quan của đồng tiền Quảng Hòa Thông Bảo.Tiền được đúc dày dặn,biên viền tròn đều,thư pháp quy phạm.Cũng giống như hai loại tiền Minh Đức Thông Bảo hay Đại Chính Thông Bảo,đồng tiền Quảng Hòa Thông Bảo được kế thừa lại phong cách thư pháp cuối thời Lê Sơ mềm mại,uyển chuyển mà không kém phần rắn rỏi.Tiền Quảng Hòa được coi là một trong những đồng tiền đẹp mẫu mực trong dòng chảy tiền cổ Việt Nam,ngày nay phát hiện được và thông kê gồm hai dạng gồm:Dạng thứ nhất là kiểu biên tiền nhỏ,chữ to;dạng thứ hai là kiểu biên tiền to,chữ nhỏ.
Một số nhầm lẫn trên thực tế và có trong các loại sách viết về tiền cổ Việt Nam cũng như trên thế giới là thường xếp một loại tiền Quảng Hòa Thông Bảo được viết theo lối Triện thư,đường kính nhỏ mỏng,mặt lưng phần nhiều lì,mòn không mang phong cách thư pháp cũng như quy cách đúc tiền khác biệt hoàn toàn với phong cách thường thấy ở tiền nhà Mạc như các đồng Minh Đức,Đại Chính hay đồng Quảng Hòa(lớn) chúng ta đã đề cập trong bài viết.Loại tiền Quảng Hòa Triện nhỏ mỏng này được các nhà sưu tập kỳ cựu,lâu năm trong giới sưu tập xếp vào loại tiền “gián” đúc thời kỳ Lê Trung Hưng thế kỷ 17-18 tiêu dùng trong dân gian phỏng lại niên hiệu Quảng Hòa của vua Mạc Hiến Tông triều Mạc.Loại tiền này thường phân loại được ở những lô xu trầm tích có lẫn tiền Cảnh Hưng,Chiêu Thống,Quang Trung,Cảnh Thịnh hay những lô,hũ tiền gián nhỏ mỏng có phong cách thư pháp,đặc điểm đồng tiền tương tự.
Về lĩnh vực sưu tập,vì thời gian ở ngôi của vua Mạc Hiến Tông khá ngắn,chỉ trong vòng 6 năm từ năm 1540 đến năm 1546.Có thể vì lí do đó mà số lượng đồng tiền Quảng Hòa Thông Bảo ngày nay phát hiện được tương đối hiếm gặp(dạng biên to,chữ nhỏ là khó tìm nhất theo các nhà sưu tập đánh giá).