Thiên cảm nguyên bảo hậu càn vương
Thiên Cảm Nguyên Bảo
Tiền cổ Thiên Cảm Nguyên Bảo phát hiện được ngày nay được các nhà nghiên cứu và sưu tập tiền cổ trong nước và trên thế giới xác định là loại tiền được cho đúc và lưu hành dưới triều đại nhà Lý.
Theo các thông tin,tài liệu lịch sử ghi chép lại Lý Thái Tông (chữ Hán: 李太宗 29 tháng 7, 1000 – 3 tháng 11, 1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị trong 26 năm (1028–1054).Vua Lý Thái Tông trong thời gian trị vì của mình đã sử dụng tất cả sáu niên hiệu khác nhau,trong đó bao gồm cả niên hiệu Thiên Cảm: Thiên Cảm Thánh Vũ (天感聖武 1044 – 1048).Niên hiệu Thiên Cảm là niên hiệu thứ năm của vua Lý Thái Tông,được sử dụng sau niên hiệu Minh Đạo (明道 1042 – 1043).Trong thời gian vua Lý Thái Tông sử dụng niên hiệu Thiên Cảm ông đã cho đúc và lưu hành loại tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo dựa trên niên hiệu của mình với mong muốn ghi dấu sự tồn tại vương triều của nhà vua lúc bấy giờ và cũng như cho các đời hậu thế.
Tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo-天感元寶 được đúc dưới triều vua Lý Thái Tông có dạng hình tròn lỗ vuông,tượng trưng cho quan niệm “trời tròn đất vuông” của con người khi xưa.Chữ trên đồng tiền được đọc chéo theo thứ tự từ trên xuống dưới,từ phải qua trái.Mặt tiền có ghi bốn chữ “Thiên Cảm Nguyên Bảo”-“ 天感元寶”.Trong đó,hai chữ “Thiên Cảm”-“ 天感” là chỉ niên hiệu của vua,còn hai chữ “Nguyên Bảo”-“元 寶” là chỉ loại tiền.Chữ “Nguyên” ngoài có công dụng là để chỉ loại tiền còn có nghĩa trong tiếng Hán là “mới,đầu tiên”.Hàm ý dùng chữ “Nguyên” ở đây có thể hiểu là muốn nói Thiên Cảm Nguyên Bảo là một loại tiền mới được đưa vào lưu thông hay cũng có thể hiểu chữ “Nguyên” thể hiện ước vọng mở ra một thời đại thịnh vượng mới cho đất nước. Mặt lưng đồng tiền thường thấy để trơn hoặc có chữ “Càn Vương”-“乾王”.Về ý nghĩa của hai chữ “Càn Vương” trên mặt lưng của đồng tiền,có một số ý kiến cho rằng:
“Càn Vương là tên của Lý Nhật Trung-con trai thứ của Lý Thái Tông.Mẹ của Lý Nhật Trung được sủng ái,năm Thông Thụy thứ 2(1035) được phong làm hoàng hậu,Lý Nhật Trung được phong là Càn Vương.Theo quy định,Thái Tông chỉ có thể lập con trai cả là Lý Nhật Tôn làm thái tử,tức sau này đăng cơ làm Lý Thành Tông.Vậy nên Lý Nhật Trung chỉ được phong làm “Càn Vương”.Việc đúc tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo lưng có chữ “Càn Vương” chứng minh việc sủng ái của Lý Thái Tông đối với mẹ con Lý Nhật Trung” (Theo cuốn “Tiền kim loại Việt Nam” do bảo tàng lịch sử quốc gia phát hành năm 2005).
Xét về tổng quan,tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo thời vua Lý Thái Tông được đúc với đường kính nhỏ hơn hẳn so với các loại tiền trước dưới thời Lý.Đây là một đặc điểm cho đến nay các nhà nghiên cứu và sưu tập rất khó giải thích và thường bị hiểu nhầm là loại tiền dân gian phỏng đúc nhỏ mỏng trong thời gian sau này,nhưng do căn cứ vào quy cách và phương pháp tạo khuôn đồng tiền có sự tương đồng so với đồng Minh Đạo Nguyên Bảo cùng thời của vua Lý Thái Tông nên ta có thể khẳng định Thiên Cảm Nguyên Bảo là một loại tiền chính triều dưới thời Lý.Chữ trên tiền được viết quy phạm nhưng lại rất mềm mại,nét chữ mảnh,tơ tóc.Với tiền cổ mà đúc được đồng tiền có nét chữ mảnh là điều khó,cho thấy trình độ đúc tiền thời kỳ này đã đạt tới trình độ cao.Biên,viền của đồng tiền tròn trịa,ngay ngắn.Ngoài ra thư pháp trên đồng tiền không hoàn toàn giống nhau được phân ra các dạng chữ to nhỏ cho thấy tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo được đúc làm nhiều đợt với nhiều khuôn đúc,lò đúc khác nhau trong suốt thời gian niên hiệu Thiên Cảm.Điều đó đã cho chúng ta phần nào thấy được kinh tế-xã hội,văn hóa,giao thương buôn bán lúc này phát triển mạnh mẽ,đất nước giàu mạnh.
Tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo cũng có một điểm giống với các đồng tiền khác thời Lý là số lượng phát hiện được ngày nay vô cùng hiếm gặp mặc dù được cho đúc và lưu hành trong thời kỳ thái bình thịnh trị,nhân dân sung túc no đủ.Một trong những lý do khiến đồng tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo trở nên hiếm gặp như vậy cũng là vì sau này khi nhà Trần nối ngôi nhà Lý đã cho thu hồi và nấu chảy những đồng tiền thời Lý để đúc ra loại tiền mới nên số lượng tiền nhà Lý ngày nay phát hiện rất hạn chế.Trong những đồng tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo thì những đồng có chữ Càn Vương ở mặt lưng là hiếm thấy hơn cả,hiếm hơn rất nhiều so với loại lưng để trơn.
Trong lĩnh vực sưu tập,tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo là một trong những đồng tiền được xếp vào hàng cực kỳ quý hiếm trong hệ thống tiền cổ bằng đồng của Việt Nam theo đánh giá của các nhà sưu tập trong nước và trên thế giới.Là một trong những đồng tiền được đúc và lưu hành dưới triều đại thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử dân tộc.Điều này đã khiến cho đồng tiền Thiên Cảm Nguyên Bảo trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong các bộ tiền cổ và là niềm mơ ước của nhiều thế hệ các nhà sưu tập.