Nguồn gốc ra đời của tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo
Tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo là đồng tiền được đúc và lưu hành dưới thời vua Lê Dụ Tông triều Lê Trung Hưng. Tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo được đúc trong thời gian vua Lê Dụ Tông sử dụng niên hiệu Bảo Thái (保泰 1720 – 1729) – niên hiệu thứ hai của ông sau niên hiệu Vĩnh Thịnh (永盛 1706 – 1719).
Tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo được đúc bằng đồng, hình tròn ở giữa có lỗ vuông tượng trưng cho quan niệm “trời tròn đất vuông” của con người thời cổ. Mặt trước đồng tiền được ghi bốn chữ Hán Bảo Thái Thông Bảo (保 泰 通 寶), mặt sau thường có ký hiệu trăng sao với vành trăng ngửa bên trái lỗ vuông và chấm sao bên phải lỗ vuông, một số khác có lưng để trơn tuy nhiên rất hiếm gặp.
Ý nghĩa của tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo
Niên hiệu Bảo Thái của Lê Dụ Tông có chữ Bảo ( 保 ) có nghĩa là gánh vác, giữ khác với chữ Bảo ( 寶 ) có nghĩa là quý giá và chữ Thái ( 泰 ) có nghĩa là thuận lợi, yên bình, yên vui khác với chữ Thái ( 太 ) gắn với các ý nghĩa chỉ mức độ như cao, lớn, rất. Ta có thể hiểu ý nghĩa của niên hiệu Bảo Thái mà vua Lê Dụ Tông đặt ra với mong muốn bản thân ông có thể chăm lo được cho xã tắc, gánh vác tốt được nghiệp giữ gìn sự yên bình, ấm no cho nhân dân trong bối cảnh chiến tranh Trịnh – Nguyễn diễn ra dữ dội lúc bấy giờ.
Về mặt sau của tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo có ký hiệu trăng sao, tuy không có tài liệu nào giải thích thuyết phục ý nghĩa của ký hiệu này nhưng ta có thể suy luận từ ước nguyện cao đẹp hàm chứa trong niên hiệu về ý nghĩa của ký hiệu này. Trăng sao là biểu tượng cho vũ trụ, thiên tượng trong tự nhiên, trời đất nên có lẽ người ta sử dụng ký hiệu này để nói lên rằng ước nguyện cao cả cho đất nước, nhân dân của Lê Dụ Tông đều có trời đất, vũ trụ chứng dám, công nhận tấm lòng yêu nước thương dân của ông.
Tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo ngày nay phát hiện được không nhiều nhưng vẫn có những biến thể dị bản khác nhau đa dạng. Phần lớn tiền xu cổ Bảo Thái Thông Bảo được đúc bằng kim loại đồng đỏ – tức chất liệu đồng có pha thêm nhiều kim loại kẽm và một số tạp chất khác nên khi bị chôn vùi dưới đất rất dễ gây ra hiện tượng nổ chất liệu, tiền trở nên sần sùi, mục oải dễ vỡ hỏng. Có thể trong giai đoạn này việc kim loại đồng tốt được dùng để đúc các vũ khí, trang bị cho cuộc chiến với chúa Nguyễn với phía nam nên đồng bị thiếu hụt phải chấp nhận pha trộn hợp kim chất lượng kém để đúc tiền. Vì vậy mà những đồng tiền Bảo Thái Thông Bảo còn chất lượng tốt, bề mặt nhẵn mịn, chữ rõ đến ngày nay là rất hiếm gặp. Ngoài ra, niên hiệu Bảo Thái trên đồng tiền còn được gắn với câu chuyện dân gian Trạng Quỳnh bày trò trêu chọc vua Lê Dụ Tông mà người Việt đều quen thuộc: “Một hôm, Quỳnh cho người ra bảo các hàng thịt là ngày mai Trạng đặt tiệc đãi các quan, cần mỗi hàng bán cho mấy cân, nhưng phải thái sẵn cho đỡ mắc công người nhà. Các hàng thịt mừng rỡ, sáng sớm đã thái thịt để đấy chờ người nhà Trạng đến lấy. Ai ngờ đợi mãi đến trưa mà cũng chẳng thấy ai, họ bèn tới nhà Trạng thì nhà vắng tanh, chẳng có khách khứa gì cả. Hỏi Trạng thì Trạng bảo không biết: “Chắc là có đứa nào muốn lõm bà con đấy. Cứ nhằm thằng nào bảo thái mà chửi”. Bọn hàng thịt tức mình về cứ gọi thằng bảo thái mà chửi: – Tiên sư thằng “Bảo thái”! Tiên sư thằng “Bảo thái”.
Your comment