Vài nét về triều đại Lê Thánh Tông và tiền Quang Thuận, Hồng Đức
Lê Thánh Tông (1442-1497) là một vị minh quân của triều đại Lê Sơ. Ông trị vì từ năm 1460 đến năm 1497. Với 37 năm ở trên ngôi báu, ông là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất thời Lê Sơ và lâu thứ hai thời Hậu Lê. Thời kỳ của vua Lê Thánh Tông được đánh giá là thời kỳ “Hồng Đức thịnh trị 洪德盛治” của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong suốt thời gian nắm quyền cai trị đất nước, vua Lê Thánh Tông đã thi hành rất nhiều chính sách phù hợp nhằm hoàn thiện bộ máy quan lại, hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, luật pháp, … Đất nước Đại Việt thời kỳ này trở thành một quốc gia có tiềm lực mạnh trong khu vực.
Về tình hình kinh tế, giao thương dưới thời vua Lê Thánh Tông: Nhà vua đặc biệt quan tâm các chính sách nhằm phát triển kinh tế như sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở rộng đồn điền, … Về giao thương, buôn bán trong nước chủ yếu diễn ra hình thức trao đổi sản phẩm giữa các địa phương. Do hệ thống giao thông đường bộ được xây dựng phát triển cùng với hệ thống đường thủy thuận tiện đã góp phần làm cho việc lưu thông hàng hóa diễn ra một cách khá thuận lợi. Ngoài Đông Kinh và các trung tâm buôn bán thì ở các địa phương cũng diễn ra nhiều chợ. Mỗi xã có một chợ hoặc vài xã có một chợ. Chợ họp hàng ngày hoặc theo những ngày quy định trong tháng. Lê Thánh Tông quan tâm việc mở đường, mở chợ nhằm phát triển kinh tế, giao thương cho dân. Vì vậy, ông từng có nhiều chỉ đạo về việc này. Năm 1477, Lê Thánh Tông ban hành quy định về việc chia chợ. Luật Hồng Đức có quy định cấm những hành động sách nhiễu và thu thuế quá cao đối với các chợ. Một mặt phát triển giao thương buôn bán trong nước, triều đình Lê Thánh Tông thi hành chính sách hạn chế buôn bán với nước ngoài. Điều này khiến cho thuyền buôn nước ngoài vào nước ta rất thưa thớt, các chợ vùng biên bị suy giảm.
Vua Lê Thánh Tông sử dụng hai niên hiệu là Quang Thuận 光順 (1460-1469) và Hồng Đức 洪德 (1470-1497). Nhằm phục vụ phát triển kinh tế, giao thương, đồng thời khẳng định dấu ấn triều đại của mình, vua Lê Thánh Tông đã cho đúc tiền mang niên hiệu của ông là “Quang Thuận thông bảo” và “Hồng Đức thông bảo”. Có một điều cần chú ý ở đây đó là dưới thời vua Lê Thánh Tông, các ngành nghề thủ công nghiệp của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Kỹ nghệ đúc đồng, đúc sắt và chế tạo đồ kim loại phát triển là tiền đề quan trọng trong việc sản xuất ra tiền xu chất lượng. Tiền xu mang niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức có chất lượng kim loại đúc (đồng, kẽm) tương đối tốt. Tiền đúc ra sắc nét, nét chữ trên tiền được trình bày cẩn thận, tỉ mỉ. Rất nhiều hiện vật xu Quang Thuận, Hồng Đức được tìm thấy hiện nay có độ toàn vẹn rất cao. Thậm chí có những đồng tiền lành và mới một cách hoàn hảo. Điều đó càng khẳng định thêm chất lượng tiền xu thời kỳ vua Lê Thánh Tông. Tiền đúc ra có trọng lượng vừa phải, tức là không quá dày hoặc quá mỏng, rất phù hợp cho việc sử dụng hoặc mang bên người. Chữ trên tiền Quang Thuận, Hồng Đức mang dấu ấn quan phương rõ nét, khác biệt hẳn so với chữ trên tiền của các triều đại trước. Và thể thức trình bày con chữ này vẫn còn được kế thừa và tiếp diễn trên một số tiền xu của các triều vua Lê Sơ về sau. Có thể thấy rằng, tiền Quang Thuận và Hồng Đức sản sinh ra trong bối cảnh đất nước thanh bình, thịnh trị, vua sáng tôi hiền, nhân dân chăm chỉ làm ăn. Những đồng tiền “Quang Thuận thông bảo”, “Hồng Đức thông bảo” là những cổ vật có giá trị cao về mặt lịch sử, mang nét thẩm mỹ đặc trưng và phản ánh tay nghề kỹ thuật cao của những người thợ đúc năm xưa.
Your comment