Hotline 0979 920 094

triều lê sơ ( vua lê lợi)

triều lê sơ ( vua lê lợi)

Cập nhật lần cuối 18/03/2023 Lượt xem: 649

Giới thiệu về Thuận Thiên nguyên bảo 順天元寶 Sau những năm khủng hoảng tiền tệ dưới triều Hồ, tiền đồng khan hiếm, tiền giấy không được dân ưa dùng, tiếp đến hơn chục năm dưới sự thống trị của bọn phong kiến nhà Minh, nước ta không đúc tiền, nạn tiền hoang (tức thiếu tiền) […]

Giới thiệu về Thuận Thiên nguyên bảo 順天元寶
Sau những năm khủng hoảng tiền tệ dưới triều Hồ, tiền đồng khan hiếm, tiền giấy không được dân ưa dùng, tiếp đến hơn chục năm dưới sự thống trị của bọn phong kiến nhà Minh, nước ta không đúc tiền, nạn tiền hoang (tức thiếu tiền) rất trầm trọng. Sau khi đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ của quân Minh, nền kinh tế và công thương nghiệp dưới thời Lê được phục hồi nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ. Nhiều trung tâm thủ công nghiệp hình thành và phát triển. Bên cạnh những phường thủ công dân gian, trong nước còn có những xưởng thủ công do chính quyền lập nên để chuyên việc đúc, việc đóng thuyền, việc sản xuất vũ khí và sản xuất đồ dùng cho vua quan quý tộc. Kinh thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô, rồi Đông Kinh, có 36 phố phường, buôn bán sầm uất, sản xuất phát triển, là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Nhu cầu đồng tiền trong lưu thông hàng hóa lúc này tại nước ta trở nên cấp thiết hơn trước nhiều.
Đứng trước tình hình trên, Lê Lợi ngay năm đầu mới lên ngôi, tức năm 1428 đã cho đúc ngay tiền đồng mang niên hiệu mình. Sang năm sau [1429] ngày 5 tháng 7, vua đã truyền cho các quan trong ngoài họp bàn về phép dùng tiền. Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc vua xuống chiếu: “Tiền là huyết mạch của nhân dân, không thể không có. Nước ta vốn sản xuất mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị người Hồ (nhà Hồ) tiêu hủy, trăm phần chỉ còn một phần, đến nay việc quân việc nước thường bị thiếu dùng. Muốn cho tiền được lưu thông tiêu dùng để thỏa lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng trình thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng mà lưu hành ở trong dân hữu dụng, thực không phải là ý yêu dân dùng của. Nhưng đời xưa có người cho rằng vàng, bạc, da, lụa, tiền thực, tiền giấy các vật ấy đều cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người thông đạt thì vụ ở trong ngoài đến bàn thể lệ dùng tiền cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không lấy lòng thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải định sớm tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà thi hành.
Vào thời Lê sơ, tiền tệ đã phát triển thêm một bước. Đồng tiền được đúc nghiêm chỉnh hơn, dày dặn hơn, cỡ ngang với mẫu mực chung của tiền đồng. Hiện tượng đúc tiền bằng những thứ kim loại rẻ tiền như kẽm, thiếc, gang, sắt chưa thành tệ nạn. Các triều đại dù thịnh dù suy đều tiến hành đúc tiền. Vàng bạc đã xuất hiện dù chưa phổ biến, chưa chính quy trong lĩnh vực tiền tệ. Tiền tệ thống nhất và được sử dụng chung trong toàn lãnh thổ. Đồng Thuận Thiên dưới thời vua Lê Thái Tổ đã mở đầu một giai đoạn đúc tiền với kĩ thuật cao trở về sau. Đồng Thuận Thiên đúc ra dày dặn, to đẹp hơn hẳn những đồng tiền thời Trần – Hồ. Tiếp nối tiền niên hiệu Thuận Thiên, tiền thời Lê sơ trở về sau đúc ra có kích thước, trọng lượng vừa phải. Thậm chí có những đời, tiền đúc ra rất chuẩn mực, được Phan Huy Chú đánh giá cao như tiền Quang Thuận và Hồng Đức thời Lê Thánh Tông.
Căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư và Tiền cổ Việt Nam, ta biết rằng Lê Thái Tổ chỉ có một niên hiệu duy nhất là Thuận Thiên và tiền Thuận Thiên được đúc vào khoảng một tháng sau khi vị vua này lên ngôi. Ngay tháng 12 cùng năm đó, tức là năm 1428, triều đình cho đúc tiền Thuận thiên thông bảo, lấy 50 đồng làm 1 tiền. Năm thứ 2 niên hiệu Thuận Thiên, nhà vua truyền cho các quan bàn về phép dùng tiền. Như vậy, ta thấy rằng chỉ riêng đời Lê Thái Tổ, tiền được đúc không phải chỉ một lần. Đỗ Văn Ninh đã lập luận là trong thư tịch chép tiền thời Lê Lợi là tiền Thuận Thiên thông bảo hoặc viết tắt là tiền Thuận Thiên nhưng hiện vật khảo cổ thì chỉ tìm thấy tiền Thuận Thiên nguyên bảo. Ông cho rằng hoặc sử cũ đã chép sai hoặc là đời này đúc cả hai loại tiền Nguyên bảo và Thông bảo. Loại tiền đúc đợt đầu có lẽ chính là tiền Thuận Thiên nguyên bảo. Ngoài ra còn có một nghi vấn là tiền Thuận Thiên nguyên bảo là tiền của Trung Quốc nhưng Đỗ Văn Ninh đã bác bỏ quan điểm nghi vấn này bằng cách dẫn ra chi tiết vào năm 759, Sử Tư Minh đã cho đúc hai loại tiền là Đắc nhất nguyên bảo và Thuận Thiên nguyên bảo tương bách. Như vậy, tiền Thuận Thiên của Trung Quốc là tiền “tương bách” nghĩa là tiền ăn 100 đồng chứ không phải tiền ăn một đồng của ta. Do đó, tiền Thuận Thiên nguyên bảo có thể khẳng định là tiền đúc thời Lê Thái Tổ.
Trong cuốn Tiền cổ Việt Nam, Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky ngoài việc giới thiệu về tiền cổ Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau thì cũng đã đề cập đến Thuận Thiên nguyên bảo. Ngay năm đầu khi vừa lên ngôi, vua Lê Thái Tổ cho đúc tiền Thuận Thiên. Sử ghi là tiền Thuận Thiên thông bảo, nhưng hiện vật chỉ có Thuận Thiên nguyên bảo. Vua cũng định lại đơn vị tiền tệ, lấy 50 đồng là 1 tiền, 1 quan là 500 đồng. Sách Quảng Đông tân ngữ của nhà Minh cũng chép “ở Giao Châu, người ta còn dùng tiền nhà Tống lấy 50 đồng làm 1 mạch”. Công trình của Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky cũng dẫn ra 1 chi tiết là trong giai đoạn những năm đầu Thuận Thiên, tiền khan hiếm (điều nay đã được sử sách ghi chép), có người còn đề nghị in tiền giấy để tiêu dùng. Nhà vua đã hạ chiếu thư nhiều lần kêu gọi các đình thần phải nghĩ ra kế sách đối phó; chính nhà vua cũng đã thú nhận “thứ tiền đồng cổ đã bị người Hồ tiêu hủy chỉ còn được một phần trăm”. Nguyên nhân của nạn khan hiếm tiền là vì một số nguyên nhân do nhà Minh tiêu hủy, nhà Trần mang tiền đồng chôn vào trong núi để tránh nạn cướp bóc của giặc Chiêm Thành Chế Bồng Nga, để rồi núi sập khiến triều đình mất một số lớn, sau đó đến nạn thu tiền đồng, phát tiền giấy của Hồ Quý Ly, vô tình tiếp tay cho nhà Minh sau khi xâm chiếm Đại Việt đã mang hết tiền đồng gom sẵn trong kho về Kim Lăng tiêu hủy cho tuyệt hết chính thống của Đại Việt.
Khi xem xét tiền Thuận Thiên nguyên bảo ở góc độ thư pháp, ta có thể thấy nét chữ của loại tiền này viên nhuận, đầy đặn, trung cung chữ mở rộng. Thư thể của tiền Thuận Thiên nguyên bảo khá tương đồng với thư thể của một số tấm bia ma nhai khắc thơ vua Lê Thái Tổ nhân dịp vị vua này đi đánh dẹp ở các vùng đất phía Tây Bắc (tham khảo thêm cuốn Lịch sử Thư pháp Việt Nam).Bên cạnh tiền Trung Quốc được lưu thông thì nhà Lê Sơ đã chú trọng đến việc phát hành tiền tệ, tránh bị phụ thuộc bên ngoài. Về chất lượng, tiền thời Lê Sơ cũng không hề kém tiền của Trung Quốc về độ bền, thẩm mỹ, kỹ thuật, công nghệ đúc tiền.
Việc gìn giữ và phát huy tiền tệ thời Lê sơ mà cụ thể là tiền Thuận Thiên nguyên bảo có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử kinh tế – xã hội của một giai đoạn phát triển đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng cũng phản ánh tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương vào giai đoạn này. Ngoài ra, đây là những cổ vật quan trọng cần được tuyên truyền phổ biến, giáo dục đến công chúng yêu thích, thưởng ngoạn tiền cổ, một thú chơi tao nhã đầy tính giải trí và văn hóa.
 
Tags:

Your comment