An Khang Thông Bảo

An Khang Thông Bảo

Giá bán: Liên hệ

177

Tên tiền: An Khang Thông Bảo

Tiền Kẽm

Mô tả sản phẩm

Tiền kẽm ban đầu đáp ứng được nhu cầu tiền tệ ở Đàng Trong. Việc giao thương buôn bán với nước ngoài khá nhộn nhịp, nhu cầu tiền tệ để giao thương rất lớn nhưng việc đúc tiền lại bị hạn chế vì không có mỏ đồng; các chúa Nguyễn phải nhập nguyên liệu đồng về để đúc tiền hoặc nhập tiền đồng từ Nhật Bản qua các thuyền buôn nước ngoài. Năm 1746, để có thêm nhiều tiền phục vụ cho việc giao thương, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho nhập kẽm về để đúc tiền kẽm. Sách Đại Nam thực lục chép: “… (1746) bắt đầu đúc tiền kẽm trắng. Trước là Túc Tông sai đúc tiền đồng, sở phí rất nhiều mà dân gian lại nhiều người phá để làm đồ dùng, số tiền ngày thêm hao giảm. Đến đây người nước Thanh họ Hoàng xin mua kẽm trắng của Tây để đúc tiền cho rộng việc tiêu dùng. Chúa nghe lời mở cục đúc tiền ở Lương Quán. Vành tiền và chữ thể theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống lại nghiêm cấm đúc riêng… Sau đó lại đúc thêm tiền Thiên Minh Thông Bảo pha lẫn kẽm xanh, vành lại mỏng, vật giá vì thế cao vụt lên”.
Tiền kẽm
Vì kẽm là nguyên liệu rẻ, nhiệt độ nóng chảy thấp (420 độ C) nên việc đúc tiền rất dễ, tuy có lệnh cấm nhưng nạn đúc trộm tiền ngày càng nhiều, lại đúc không đúng quy cách, pha thêm cả chì làm cho tiền ngày càng xấu. Lê Quý Đôn có nhận xét trong Phủ Biên Tạp Lục: “Lúc mới tiền rất cứng và dày, tuy có thể đốt cháy nhưng không thể bẻ gãy được. Lại nghiêm cấm đúc riêng nên tiền ít khi mỏng quá, việc công việc tư đều tiện dùng. Thế rồi người ta cất chứa tiền đồng, không cho phát ra. Lâu dần người quý thế tranh nhau xin đúc đến hơn trăm lò… trộn cả chì vào, tiền ngày càng nhỏ mỏng, có thể bẻ gãy được, dân gian nhiều tiền xấu, mua bán không thông. Trước một đồng ăn một đồng, đến nay thì ba đồng ăn một đồng mà vẫn chọn bỏ…”.
Việc đúc tiền kẽm tràn lan, chất lượng lại kém đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội ở sứ Đàng Trong. Chính quyền suy yếu, quan lại tham nhũng, nhân dân đói khổ dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, tiêu biểu là khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cầm đầu đã làm cho chính quyền các chúa Nguyễn đi đến sụp đổ.
Có rất nhiều hiệu tiền kẽm được tìm thấy, một số mang niên hiệu chính triều Đại Việt như:
+ Cảnh Trị thông bảo,
+ Cảnh Hưng thông bảo, Cảnh Hưng cự bảo
+ Vĩnh Trị thông bảo, Vĩnh Trị Chi Bảo, Vĩnh Trị nguyên bảo.
+ Cảnh Trị vĩnh bảo.
+ Chính Hòa thông bảo.
+ Chiêu Thống thông bảo.
Các niên hiệu Cảnh Trị, Vĩnh Trị, Chính Hòa là các niên hiệu nhà Lê đã có trước khi chúa Nguyễn cho nhập kẽm về đúc tiền nên không phải là tiền chính triều. Các hiệu tiền kẽm Cảnh Hưng, Chiêu Thống được tìm thấy nhưng số lượng không nhiều, có thể chỉ là tiền do dân gian đúc.
Một số tiền kẽm mang niên hiệu Trung Quốc như Hồng Vũ Thông Bảo, Càn Long Thông Bảo, Vĩnh Lạc Thông Bảo… Một số lại có tên hiệu của tiền gián như An Pháp Nguyên Bảo, Thiên Thánh Nguyên Bảo, Tường Nguyên Thông Bảo …. Một số lại có tên hiệu không theo niên hiệu nào như Lập nguyên thông bảo, Thiên Minh thông bảo, Thiên thuận thông bảo, Tường quang thông bảo …

Tiền kẽm thời Tây Sơn

Năm 1778, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã lật đổ các thế lực chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người anh cả Nguyễn Nhạc đã lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thái Đức. Đến năm 1788 vua Thái Đức nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung), còn ông hạ xuống làm Tây Sơn vương (1788-1793). Vua Quang Trung ở ngôi được 5 năm thì mất, con là Nguyễn Quang Toản nối ngôi, đặt niên hiệu là Cảnh Thịnh, đến năm 1801 lại đổi niên hiệu là Bảo Hưng. Vua Cảnh Thịnh ở ngôi được hơn chín năm thì nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh đánh bại, triều Tây Sơn sụp đổ, tổng thời gian tồn tại được 25 năm. Dưới các triều đại nhà Tây Sơn, ngoài việc cho đúc tiền đồng còn cho đúc cả tiền kẽm, tuy nhiên tỷ lệ tiền kẽm không nhiều như tiền đồng. Các hiệu tiền kẽm được tìm thấy có: Thái Đức thông bảoMinh Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo, Cảnh Thịnh thông bảo.

Thời nhà Nguyễn

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Vương – Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long. Năm Gia Long thứ 2 (1803) đã bắt đầu cho đúc tiền đồng hiệu Gia Long thông bảo nhưng đến năm Gia Long thứ 12 mới cho đúc tiền kẽm. Sách Đại Nam thực lục chép: “Quý Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), tháng giêng, bắt đầu đúc tiền kẽm nặng bẩy phân hiệu Gia Long thông bảo”. Tiền kẽm thời Gia Long chỉ thấp hơn giá trị tiền đồng một chút, người dân được phép đúc tiền kẽm theo kiểu mẫu của bộ Hộ, cứ 125 quan tiền kẽm thì được trả công 100 quan tiền đồng.

Thời vua Minh Mạng (1820 – 1841)

Tiền kẽm tiếp tục được đúc nhưng nhỏ hơn tiền kẽm Gia Long. Sách Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Minh Mạng năm đầu … đúc tiền kẽm Minh Mạng thông bảo đều nặng 6 phân …”. việc lưu thông cả tiền đồng và tiền kẽm được vua Minh Mạng giải thích: “ Nước ta đúc tiền có hai hạng, tiền đồng và tiền kẽm. Tiền kẽm đưa ra tiêu dùng, các nhà giàu không dám cất giấu mà người nước láng giềng đi lại buôn bán cũng không dám mang về nước họ, như vậy chẳng những lợi cho dân mà còn lợi cho nước nữa. Tuy nhiên nếu không có tiền đồng, thời sau này ai mà biết được đại hiệu của nước ta. Vậy tiền đồng cũng không nên để thiếu”.
Tiền kẽm Minh Mạng có mấy loại cơ bản: Chữ to, Chữ nhỏ, Thông 2 tích, Thông đầu vuông
Thời Minh Mạng, nạn đúc trộm tiền diễn ra ở nhiều nơi, vua phải ra lệnh cấm đúc trộm tiền, sách Đại Nam Thực Lục chép: “Minh Mạng thứ 9 (1828) tháng năm, ra lệnh cấm đúc trộm tiền. Trước đây Lạng Sơn xét thấy chợ phố có thứ tiền dáng lạ hơn 100 quan. Trấn thần là Hoàng Văn Tài và Đào Đức Lung vì không xét rõ được kẻ gian, đều bị giáng xuống một cấp. Sắc cho thành thần nghiêm cấm dân trong hạt không được dùng tiền đúc riêng tiêu lẫn với tiền của nhà nước. Ai phạm điều ấy thì phải tội. Quan sở tại không xét được cũng phải nghiêm trị. Vua nhân bảo bộ Hộ “cục Bảo Tuyền là chỗ của cải từ đấy mà ra, bọn lại ty dễ mượn để làm gian, nếu không hạn chế mà ngăn dứt thì cái tệ đúc tiền trộm như ở Lạng Sơn sẽ không ít đâu. Nên truyền dụ cho thành thần rút thợ đúc. Lại sức cho nhân dân, ai có chứa kẽm cũ thì hạn trong một năm phải đem bán cho nhà nước. Từ sang năm về sau ai chứa 100 cân kẽm trở lên thì bị tội. Trong cục Bảo Tuyền phải kiểm soát lẫn nhau, ai đúc trộm thì chém để răn kẻ khác. Nếu mặc kệ không xem xét, sự phát giác thì đều trị tội nặng”. Mặc dù có lệnh cấm nhưng vì cái lợi của việc đúc tiền kẽm lớn nên nạn đúc trộm tiền vẫn diễn ra, giá trị của tiền kẽm vì thế mà sụt giảm, đến năm Minh Mạng thứ 20 thì 1 trự tiền đồng lớn ngang giá với 3 trự tiền kẽm và 1 trự tiền đồng nhỏ ngang giá với 2 trự tiền kẽm.

Thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847)

Tiền kẽm cũng được đúc loại 6 phân như tiền Minh Mạng. Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi: “Thiệu Trị năm đầu, đổi tên Cục Bảo tuyền Bắc thành gọi tên là Cục Thông bảo… Lại Dụ rằng: Sở đúc tiền Hà Nội đem đồng kẽm trong kho đúc tiền đồng hạng lớn hạng nhỏ về hiệu mới Thiệu Trị và tiền kẽm hiệu mới Thiệu Trị mỗi thứ đều 300 quan… Tiền kẽm Thiệu Trị ngày nay được tìm thấy có tỉ lệ không nhiều như tiền đồng.

Tiền kẽm thời vua Tự Đức (1848-1883)

Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ chép: “Tự Đức năm đầu, Dụ rằng: Đúc tiền theo niên hiệu mới. Vậy cho theo thể lệ đúc tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị mà đúc tiền hiệu mới là Tự Đức Thông Bảo, tiền đồng hạng lớn mỗi đồng nặng 9 phân, tiền đồng hạng nhỏ và tiền kẽm đều mỗi đồng tiền nặng 6 phân”. Tiền kẽm Tự Đức có 3 dạng chính: Mặt lưng trơn, mặt lưng có chữ Hà Nội, mặt lưng có chữ Sơn Tây. Giá trị của tiền kẽm thời Tự Đức tiếp tục hạ thấp, năm 1958 vua Tự Đức ban sắc dụ cho một đồng tiền lớn ăn bốn đồng tiền kẽm và một đồng tiền nhỏ ăn ba đồng tiền kẽm. Đến năm 1872, triều đình cho đúc tiền đồng Tự Đức thông bảo nặng 7 phân mặt lưng có 2 chữ “lục văn” tức là ăn sáu đồng kẽm.
Sau khi vua Tự Đức mất, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta rồi phát hành tiền Đông Dương để tiêu dùng, tiền do triều đình Đúc không còn mấy giá trị, tiền kẽm thì giá trị càng thấp, có lẽ vị thế mà tiền kẽm không còn được đúc nữa. Tuy nhiên tiền đồng, tiền kẽm vẫn được tiêu dùng, có lẽ chỉ để tiêu dùng trong những giao dịch nhỏ, tiền kẽm thì càng mất giá, đến thời Bảo Đại thì một đồng tiền đồng ăn mười đồng tiền kẽm.
Như vậy tiền kẽm chính thức được đúc từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát cho nhập kẽm trắng về để đúc tiền (1746) đến thời vua Tự Đức (1848-1883). Trước đó trong cổ sử cũng có nói đến tiền kẽm như sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Đại Khánh năm thứ 10, mùa đông tháng 11, đúc tiền kẽm”, và “Khai Thái thứ 1, mùa đông tháng 12, cấm tiền kẽm”. Theo nhà nghiên cứu Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky thì đây chỉ là sự ngộ nhận khi người dịch từ “duyên tiền” thành “tiền kẽm”; có thể đó chỉ là những loại tiền chì, tiền thiếc mà thôi.