Minh Đức Thông Bảo
Tiền cổ Minh Đức Thông Bảo là loại tiền được cho đúc và lưu hành thời Mạc Thái Tổ dưới triều đại nhà Mạc.
Nhà Mạc là triều đại tiếp nối nhà Lê Sơ,một số ý kiến cho rằng nhà Mạc là triều đại đoạt ngôi của nhà Lê Sơ nên bị coi là “Ngụy/Ngọa triều” (một triều đại không được coi là chính thống).Tuy nhiên,nhìn lại lịch sử cuối thế kỷ XV- đầu XVI, nhà Lê Sơ đã qua thời thịnh trị, bước vào giai đoạn suy thoái “công thần coi như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác”, đời sống bần cùng, loạn lạc, tranh binh quyền diễn ra khắp nơi…Trong hoàn cảnh đó, việc ra đời của nhà Mạc như là sự vận động tất yếu. Vào thời điểm này, nếu không phải là Mạc Đăng Dung thì có thể sẽ có một nhân vật khác cũng làm điều mà Mạc Đăng Dung đã làm. Trong bối cảnh lịch sử ấy, Mạc Đăng Dung đã sử dụng “nội lực bản thân” nắm lấy vận mệnh lịch sử để lên ngôi. Như vậy, việc coi nhà Mạc là không chính thống, thực chất là cách nhìn nhận theo tư tưởng phong kiến của sử gia thời trước. Đối với quan điểm lịch sử hiện đại, hành động của Mạc Đăng Dung là phù hợp quy luật vận động và phát triển. Sự xuất hiện của Vương triều Mạc là một tiến trình lịch sử tất yếu và cần thiết để ổn định và lập lại trật tự xã hội.
Sơ lược về Mạc Thái Tổ. Mạc Thái Tổ (chữ Hán: 莫太祖 22 tháng 11, 1483 – 11 tháng 9, 1541) tên thật là Mạc Đăng Dung(莫登庸), là nhà chính trị, hoàng đế sáng lập ra triều Mạc trong lịch sử Việt Nam.Theo “Toàn thư” và “Đại Việt thông sử”: Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Ông là người xã Cao Đôi huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Xuất thân ngư dân, có học văn và đặc biệt giỏi võ, ông đã thi đỗ Đô lực sĩ, được vào đội Túc vệ…Từ đây, nghiệp đế vương bắt đầu:
– Từ năm 1508- 1511, ông làm tới Đô chỉ huy sứ, kết thông gia với Trần Chân, người nắm uy quyền trong triều đình.
– Năm 1518, vì thế lực quá lớn, Trần Chân bị vua Lê Chiêu Tông giết bỏ. Tận dụng thời cơ, Mạc Đăng Dung cầm quân dẹp loạn, nắm hết binh quyền. Năm 1521, ông phế truất Lê Chiêu Tông đưa Lê Cung Hoàng lên ngôi.
– Từ năm 1523- 1526, Mạc Đăng Dung sử dụng quyền binh, bắt và giết Lê Chiêu Tông. Tới năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương, tới tháng 6/1527, phế bỏ Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung lên ngôi- lập ra nhà Mạc.Mạc Đăng Dung trị vì từ năm 1527-1529,trong thời gian ở ngôi ông đã sử dụng niên hiệu Minh Đức và cho đúc tiền Minh Đức Thông Bảo để đưa vào lưu thông cũng như khẳng định sự chính thống của vương triều.
Về đồng tiền Minh Đức Thông Bảo-明德通寶,tiền được đúc bằng đồng(một số tài liệu nói Mạc Thái Tổ đã cho đúc tiền bằng đồng nhưng đa phần bị hỏng sau đó đã cho đúc loại tiền Minh Đức bằng sắt pha kẽm nhưng cho tới nay các đồng Minh Đức Thông Bảo được đúc dưới triều Mạc phát hiện được đều được đúc bằng kim loại đồng,chưa có ghi nhận đồng Minh Đức Thông Bảo nào có chất liệu sắt cả) có dạng hình tròn lỗ vuông thể hiện quan niệm “trời tròn đất vuông” của người xưa.Mặt đồng tiền có ghi bốn chữ Hán Minh Đức Thông Bảo-明德通寶 được đọc chéo tuần tự từ trên xuống dưới,từ phải qua trái.Trong đó hai chữ “Minh Đức”-“明德” là chỉ niên hiệu của nhà vua.Niên hiệu Minh Đức còn có nghĩa là “Đức sáng”,hàm ý nói lên rằng Mạc Đăng Dung là một vị vua có phẩm chất tốt,là người có thể cai trị cho đất nước được yên bình,muôn dân được ấm no.Niên hiệu của Mạc Đăng Dung đã nói lên phẩm chất và mong muốn của ông đối với nhân dân,đất nước là chỗ dựa niềm tin của nhân dân đối với sự khởi đầu của một triều đại mới.Còn hai chữ “Thông Bảo”- “通寶 “ là chỉ loại tiền được lưu hành thông dụng.Mặt lưng của đồng tiền Minh Đức Thông Bảo triều Mạc được để trơn.
Về tổng quan đồng tiền Minh Đức Thông Bảo.Triều đại nhà Mạc là triều đại tiếp nối nhà Lê Sơ,trong phương pháp đúc tiền và thư pháp chữ nghĩa thời xưa có tính kế thừa rất cao.Vậy nên từ chất liệu,kết cấu,đến thư pháp của đồng tiền Minh Đức có nhiều nét tương đồng với thư pháp trên các đồng tiền cuối thời Lê Sơ.Tiền Minh Đức Thông Bảo được đúc dày dặn,biên viền của đồng tiền cân đối.Nét chữ trên tiền uyển chuyển,bay lượn mềm mại.Vì thế đồng tiền Minh Đức được đánh giá là một trong những loại tiền đẹp mẫu mực của dòng chảy tiền tệ trong lịch sử.
Trong lĩnh vực sưu tập,vì Mạc Đăng Dung chỉ ở ngôi trong khoảng 2 năm từ năm 1527 đến năm 1529 nên thời gian cho đúc đồng tiền Minh Đức Thông Bảo khá ngắn,là một trong nhiều nguyên nhân làm cho số lượng tiền cổ Minh Đức Thông Bảo triều Mạc phát hiện được ngày nay rất hạn chế.Minh Đức Bảo biểu trưng cho sự tiếp nối của lịch sử,thể hiển sự suy vong của cả một vương triều thịnh vượng và sự hình thành nên một triều đại mới.Là một đồng tiền mang trong mình giá trị lịch sử của dân tộc to lớn,nét tài hoa của tiền nhân để lại trên đồng tiền và giá trị kinh tế không nhỏ đã khiến nó trở thành một mảnh ghép quan trọng được nhiều nhà sưu tập thích thú săn đón.

Your comment